Đau “gò bồng đảo” - Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bị đau vú không rõ nguyên nhân gây khó chịu hay lo lắng nhiều thì cũng nên gặp thầy thuốc để được kiểm tra.

Đau vú là một khó chịu thường gặp ở phụ nữ. Khoảng 70% phụ nữ bị đau vú ở một thời điểm nào đó trong đời. Phụ nữ trẻ và tiền mãn kinh thường bị đau vú hơn mặc dầu đến tuổi sau mãn kinh cũng vẫn có thể bị đau vú.
Khoảng 1/10 phụ nữ bị đau vú từ nhẹ đến nặng hơn 5 ngày trong một tháng. Một số trường hợp phụ nữ bị đau vú nặng suốt cả chu kỳ kinh, rất ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường và cả đời sống tình dục. Đau vú đơn thuần, không kèm triệu chứng gì khác hiếm khi báo hiệu ung thư vú. Tuy nhiên, bị đau vú không rõ nguyên nhân gây khó chịu hay lo lắng nhiều thì cũng nên gặp thầy thuốc để được kiểm tra.  

Nếu bị đau vú kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ.

  Các dấu hiệu và triệu chứng
 
Đau vú có thể diễn ra rõ rệt theo chu kỳ kinh; không có chu kỳ nghĩa là đau thường xuyên hay lúc đau lúc không và không liên quan đến chu kỳ kinh; và ngoài khu vực vú như đau cơ thành ngực nhưng vẫn cảm thấy có nguồn gốc từ vú. Những đặc điểm của đau vú có chu kỳ khác với đau vú không có chu kỳ:
 
Đau vú có chu kỳ: Thường ở cả bên vú và ở toàn bộ vú, nhất là phần trên và phía ngoài của vú, lan ra nách. Có thể cảm thấy đau rất nhạy cảm, sưng hay có đám cứng ở vú đi kèm với đau. Phụ nữ thường mô tả cảm giác đau của mình là âm ỉ, nặng nề, nhiều nhất vào 1-2 tuần trước khi ra kinh, sau đó dễ chịu dần.  Đau vú theo chu kỳ thường gặp nhất, có tỷ lệ khoảng 2/3 số trường hợp đau vú và hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 30-40.
 
Đau vú không có chu kỳ: Thường chỉ đau một bên vú và thường khu trú ở một vùng nhất định. Một số khác bị đau vú có tính chất lan tỏa và lan ra nách. Kiểu đau không theo chu kỳ này thường được mô tả dữ dội hơn, có tính chất nhức nhối, buốt nhói và thường gặp ở độ tuổi 40-50 hay sau mãn kinh.
 
Nguyên nhân: không thể xác định được nguyên nhân đích thực trong phần lớn trường hợp mặc dầu đã có nhiều giả thuyết. 
 
• Đau vú theo chu kỳ có vai trò của hormon dựa trên nhận xét sự giảm đau hay biến mất liên quan đến thai nghén hay mãn kinh; tuy nhiên hormon bất thường đến mức độ gây ra đau vú vẫn không thể xác định được. 
 
• Đau vú không có chu kỳ không mấy khi kết hợp với một bệnh chính rõ rệt mà vì lí do giải phẫu nhiều hơn là lí do hormon, có thể do nang vú, chấn thương vú hay các yếu tố khác khu trú tại vú gây ra. Cũng có khi đau vú có nguồn gốc bên ngoài vú như ở thành ngực, cơ, khớp hay tim và lan đến vú. 
 
• Một số thuốc cũng có thể góp phần gây đau vú, như thuốc hormon dùng trong điều trị hiếm muộn và thuốc uống tránh thai. Vú cương đau có thể là do tác dụng của hormon liệu pháp với estrogen và progesterone, vì thế một số phụ nữ vẫn bị đau vú cả khi đã mãn kinh.
 
• Những phụ nữ có cặp vú đồ sộ có thể bị đau vú không theo chu kỳ chủ yếu do kích cỡ vú quá khổ, thường kết hợp với đau ở cổ, vai và lưng. Phẫu thuật giảm kích thước vú cũng là nguyên nhân gây đau vú vì sau khi vết mổ đã lành sẹo mà cảm giác đau vẫn tồn tại. 
 
Điều trị đau vú
 
Rất ít phụ nữ bị đau vú cần một liệu pháp gì đặc biệt nếu không phát hiện bằng chứng nào về ung thư vú; rất nhiều khi đau vú tự qua đi sau vài tháng, có khi chỉ cần mang áo nhỏ nâng vú hợp kích cỡ và dùng thuốc giảm đau thông thường.
 
•  Đầu tiên cần chữa bệnh chính hay những yếu tố gây đau vú (các thuốc đang dùng).
 
•  Tiếp theo là biện pháp không dùng thuốc: thay đổi chế độ ăn uống (giảm ăn mỡ, hạn chế hay bỏ hẳn dùng cà phê có thể cải thiện triệu chứng đau theo kinh nghiệm của một số người), chườm lạnh, thuốc bổ sung như vitamin E; mang áo nâng vú khi vận động và cả khi ngủ nhất là khi vú nhạy cảm, dễ đau.
 
• Thuốc giảm đau không có steroid có thể dùng cho kiểu đau không có chu kỳ hay thuốc bôi tại chỗ: Acetaminophen (Tylenol)… Với kiểu đau có chu kỳ nặng, dùng loại thuốc có tác dụng mạnh hơn như Danazol, bromocryptine và tamoxifen.
 
• Dùng viên thuốc tránh thai hay điều chỉnh liều lượng thuốc tránh thai đang dùng.
 
• Bôi kem progestogel cho đau vú do mất cân bằng giữa estrogen và progesterone.
 
• Nếu đang dùng liệu pháp hormon ở tuổi mãn kinh thì ngừng thuốc hay giảm liều.
 
Cuối cùng, cần ghi lại những ngày đau vú và những triệu chứng khác để phân biệt kiểu đau vú và giúp thầy thuốc có cách chữa hiệu quả.
 
Khi đau vú kéo dài hay đau vú hay tái diễn bạn nên gặp bác sĩ. Nếu bị đau vú không có chu kỳ và khu trú ở một vùng nhất định của vú thì cũng cần được thầy thuốc khám. Khoảng 2-7% phụ nữ bị đau vú thể này có ung thư vú.
 
Đánh giá nguy cơ ung thư vú dựa trên các yếu tố như tuổi tác, lịch sử bệnh của gia đình, các tổn thương tiền ung thư nếu có – khám thực thể vú, các hạch bạch huyết vùng cổ và vùng nách; Kiểm tra tim phổi, thành ngực, bụng để loại trừ nguyên nhân đau từ ngoài vú và một số bệnh khác; Nếu bệnh nhân đã quá 35 tuổi thì nên chụp vú;  Nếu có cục cứng hay vùng dày rắn ở mô vú thì nên làm siêu âm và sinh thiết vú, kể cả với phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi khi có nghi ngờ.
Theo BS.Đào Xuân Dũng SK&ĐS