Suckhoedoisong.vn - 15h30 giờ chiều ngày 22/5, tại phòng mổ của Khoa Gây mê hồi sức- Bệnh viện K, các thầy thuốc liên viện gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và chuyên gia gây mê của Bệnh viện Việt Đức đã chung tay thực hiện cuộc phẫu thuật
Câu hỏi đầu tiên của người mẹ với bác sĩ: “Con cháu nặng mấy cân”?
Sau những phút giây hồi hộp, PGS. TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng 2 kíp mổ đã đưa cậu bé Bình An nặng khoảng từ 1,6kg-1,8 kg ra khỏi bụng mẹ.
“Câu đầu tiên sản phụ 28 tuổi, đang bị ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn hỏi bác sĩ là “con cháu nặng mấy cân”? rồi chị bảo “con cháu khóc to thế””- PGS.TS Trần Danh Cường kể lại với phóng viên sau khi ra khỏi phòng mổ.
Sản phụ Liên được các y bác sĩ phẫu thuật lấy thai trong tư thế đặc biệt- nửa nằm, nửa ngồi tại phòng mổ của Bệnh viện K
Với PGS.TS Trần Danh Cường đây là một cuộc phẫu thuật khá đặc biệt vì bệnh nhân được phẫu thuật trong tư thế nửa nằm và nửa ngồi. “May mắn sau ca phẫu thuật lấy thai diễn ra an toàn, bà mẹ không rơi vào tình trạng đờ tử cung, cầm máu nhanh. Cháu bé ngay lập tức được kíp cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đưa về bệnh viện chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi sẽ nỗ lực để chăm sóc cháu bé tốt nhất”- PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ
Sản phụ- nhân vật chính của ca phẫu thuật đặc biệt này là chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam.
Anh Đỗ Văn Hùng- chồng chị Liên cho biết, chị phát hiện vú có u cục khi mang thai được 8 tuần nhưng chị chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường nên chủ quan, không thăm khám.
Đến khi xuất hiện ho nhiều, ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức thì chị Liên mới đến Bệnh viện K để khám. Lúc này thai đã được gần 4 tháng.
“Kết quả cho thấy, vợ tôi mắc ung thư vú giai đoạn 4, di ăn nhiều nơi. Thông báo của bác sĩ như sét đánh ngang tai, vợ tôi ngồi thụp xuống, bật khóc”- người đàn ông 31 tuổi kể chuyện với chúng tôi trong nước mắt khi đang ngồi đợi các y bác sĩ phẫu thuật cho vợ.
Các kip y bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cho sản phụ Liên
Anh Hùng kể, sau khi nghe bác sĩ sản cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu tư vấn về những nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ, vợ chồng anh chị vẫn quyết định giữ lại thai nhi, với hy vọng có thể cầm cự đến khi thai nhi đủ lớn để có thể chào đời.
Ung thư di căn- Người mẹ ngủ ngồi suốt 2 tháng khi mang thai
Tháng 3/2019, chị Liên nhập viện K điều trị 2 đợt hoá chất khi thai được 22 tuần với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Bệnh viện K và bác sĩ sản khoa. Bệnh nhân được khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi.
6 tuần sau hoá trị, chị Liên rơi vào tình trạng khó thở, do khối u di căn phổi, tràn dịch màng phổi tiến triển, nên lập tức được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu, thở oxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền.
Để hạn chế ảnh hưởng đến thai nhi, tất cả các thuốc sử dụng cho bệnh nhân đều được các bác sĩ chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn trọng.
Bé Bình An được các y bác sĩ đưa ra khỏi phòng mổ để về Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc đặc biệt
Từ khi chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng của chị Liên ngày càng khó thở, xuất hiện hạch dày đặc. 2 tháng gần đây, bệnh nhân không thể nằm thở, phải ngồi suốt 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi.
Ngày 21/5, khi thai nhi được 31 tuần tuổi, sức khoẻ chị Liên ngày càng yếu, nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con, các bác sĩ Bệnh viện K đã hội chẩn đặc biệt cùng các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phụ sản TƯ và chuyên gia gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho chi Liên để lấy thai bởi lúc này chị Liên có biểu hiện khó thở, tràn dịch màng phổi, độ bão hoà ô xy thấp.
Tiếng khóc của bé trai khiến người mẹ trẻ và ekip phẫu thuật trào nước mắt
TS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K cho biết, 15h30 chiều 22/5, ca mổ bắt con bắt đầu với sự tham gia của gần 20 bác sĩ, chia thành 2 ekip gồm kíp mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và kíp bác sĩ bác sĩ Bệnh viện K .
Bé Bình An trên xe cấp cứu chuẩn bị về Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Do thai phụ khó thở, bác sĩ buộc phải để bệnh nhân vừa nằm, vừa ngồi khi mổ. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ, bệnh nhân lại yếu nên thao tác mổ phải nhanh, chính xác.
Khi mổ, bác sĩ cũng không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được. Do đó, chỉ có thể gây mê tuỷ sống, bệnh nhân gần như tỉnh táo trong suốt ca mổ.
Ca phẫu thuật diễn ra hết sức căng thẳng, không loại trừ nguy cơ mất cả mẹ lẫn con. Nhưng với sự nỗ lực hết sức của ekip bác sĩ, 16h10, bé trai Đỗ Bình An đã chào đời, cất tiếng khóc khiến cả chị Liên và cả ekip vỡ oà hạnh phúc.
Tiếng khóc của bé trai khiến người mẹ trẻ và ekip phẫu thuật trào nước mắt. Con đến với thế giới này bằng nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương vô bờ của mẹ Liên và không thể thiếu sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện K mỗi khi mẹ con khó thở, đau đơn; hay những lần kiểm tra hàng tuần của bác sĩ Bệnh viện 103, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sự phát triển của con.
Ngay lập tức, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ê kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ.
Chia sẻ thêm thông tin, TS Bùi Tiến Đức cho biết, sau mổ, sản phụ hiện đã tỉnh, tiên lượng gần thì tình trạng của bệnh nhân vẫn ổn.Tuy nhiên quá trình điều trị cho sản phụ Liên còn đầy rẫy chông gai. Các chuyên gia của Bệnh viện K sẽ phối hợp với các chuyên khoa để tìm ra phương án tối ưu điều trị cho bệnh nhân.
Bà Ngân, mẹ chị Liên đã không giấu được nước mắt khi nghĩ đến cô con gái còn quá trẻ không may mắc bệnh và đứa cháu ngoại đang nằm trong lồng kính.
“Gia đình chúng tôi thực sự biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, giúp đỡ 2 mẹ con. Chúng tôi không biết nói gì hơn, sự ra đời của Bình An chính là hồi sinh lần hai của con gái tôi. Cháu sẽ có thêm nghị lực để còn được nhìn con nhiều hơn, lâu hơn”- bà Ngân nghẹn ngào nói.
Anh Đỗ Văn Hùng vào thăm vợ sau ca phẫu thuật. Người đàn ông này đã không dấu được nước mắt, anh khóc khi kể chuyện với chúng tôi, khi đi theo con xuống xe cấp cứu và khi vào thăm vợ
Câu chuyện ngày hôm nay của sản phụ Liên như khiến y bác sĩ nhớ về Thiếu úy Đậu thị Huyền Trâm, người mẹ phi thường, nghị lực từ chối điều trị để sinh ra bé Gấu. Bé Trần Gấu chào đời, chị Trâm hạnh phúc được gặp con lần đầu cũng là lần cuối. Vì rất tiếc mẹ Trâm phải xa Gấu khi em chưa tròn tháng .
Hy vọng bé Bình An sẽ tiếp tục sống khoẻ mạnh, mạnh mẽ và kiên cường, tiếp thêm sức mạnh để mẹ tiếp tục chiến đấu với ung thư.
Trước giờ mổ, dù giọng thều thào, yếu ớt, đôi khi chỉ có thể gật đầu, giọng đứt quãng, sản phụ Nguyễn Thị Liên chia sẻ mong muốn ca mổ sẽ diễn ra suôn sẻ, con trai được chào đời khoẻ mạnh. Chị sẽ dành sức lực ít ỏi cuối cùng để mong được gặp con.
“Em chỉ cần được nhìn con 1 lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong con một đời bình an”- sản phụ xúc động nói. Câu nói ấy đã chạm vào trái tim của tất cả những y, bác sĩ.
Còn chồng chị thì bảo cả ngày qua và đến khi ngồi đợi các bác sĩ phẫu thuật cho vợ anh không thể hết cảm giác lo lắng, hồi hộp cho hai người thân yêu của anh- vợ và con trai.
Thái Bình
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn)
Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng thuận cao trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm