Bước sang tuổi 33, chị Vân (Hà Nội) muốn sinh thêm cháu nữa, nhưng "thả" đã 5 tháng mà vẫn không có bầu. Đi khám, chị được tiêm thuốc kích thích trứng rụng. Không ngờ sau đó, chị phải đi cấp cứu vì chảy máu, đau bụng dữ dội.
Không phải chị em nào dùng thuốc kích trứng rụng cũng có hiệu quả. Ảnh minh họa: P.N. |
24 tuổi chị Vân đã lập gia đình và sinh được bé trai đầu lòng, nay đã học lớp 3. Nuôi con vất vả, rồi lại lo cho cháu vào lớp 1, lo chuyện xây nhà nên chị cứ trì hoãn việc sinh con. Đến nay, con đã lớn, chị muốn sinh thêm bé nữa cho vui cửa vui nhà, mà con cũng thích có em. Thế nhưng không dùng biện pháp tránh thai gần nửa năm mà chị vẫn không thấy dấu hiệu mang bầu.
Nghĩ mình đã lớn tuổi, sợ có trục trặc gì, chị liền đến một phòng khám tư. Mới đầu, chị được chỉ định cho uống thuốc kích trứng. Sau mấy tháng không thấy gì, chị lại được bác sĩ tiêm trực tiếp thuốc vào bụng.
"Tiêm thuốc xong thì cả nhà tá hỏa lên, bụng thì đau, tự dưng không phải đến tháng lại bị chảy máu. Bác sĩ bảo mình đi bị biến chứng buồng trứng quá kích, gây vỡ cả nang noãn, may mà không có gì quá nghiêm trọng", chị Vân chia sẻ.
Những trường hợp nhập viện do biến chứng của thuốc kích thích trứng rụng như trường hợp của chị Vân không phải là hiếm trong vài năm trở lại đây, thậm chí có xu hướng tăng. Một phần nguyên nhân vì các trung hỗ trợ sinh sản mọc lên như nấm, nhiều chị em lại có tâm lý muốn có thai nhanh sau khi lấy chồng, giáo sư Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết.
Thuốc kích thích rụng trứng có tác dụng kích thích nang noãn phát triển. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường chỉ có một nang noãn trong buồng trứng phát triển và rụng xuống, nếu gặp tinh trùng thì sẽ hình thành một thai nhi. Tuy nhiên, khi dùng thuốc kích trứng thì không chỉ một nang noãn phát triển mà 2,3 thậm chí nhiều hơn nữa.
"Nhờ đó khả năng có thai của chị em sẽ cao hơn, tuy nhiên kèm theo đó là nguy cơ đa thai rất lớn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Một biến chứng nguy hiểm khác là quá kích buồng trứng, không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, phù phổi..., thậm chí là tử vong", tiến sĩ Tiến nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông, người mẹ có thể bị sảy thai, nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, băng huyết… Trẻ có nguy cơ bị đẻ non, sinh ra dễ bị các dị tật như: điếc, mù, trí tuệ kém phát triển...
Bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết đây là loại thuốc được chỉ định trong điều trị vô sinh, khó có thai như khi thụ tinh trong ống nghiệm hay các trường hợp phải lọc rửa tinh trùng và bơm thẳng vào tử cung… Ở mỗi bệnh nhân bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ liều lượng và loại thuốc sử dụng cho phù hợp.
Một điều cần lưu ý là không phải ai dùng thuốc cũng có hiệu quả vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, có thể do chồng, vợ hoặc cả hai. Trong đó, nguyên nhân vô sinh ở chị em có rất nhiều và mỗi loại thầy thuốc sẽ dùng biện pháp điều trị thích hợp, bác sĩ Nhuận cũng cho biết.
Bên cạnh đó, các thuốc kích thích rụng trứng đều là các chất nội tiết, đắt tiền và nếu sử dụng không đúng sẽ không chỉ không hiệu quả mà có thể còn gây nhiều rối loạn về nội tiết và sức khỏe của người phụ nữ.
Theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng nhiều lần thuốc kích trứng sẽ khiến buồng trứng hết những nang trứng nguyên thủy. Do đó, nguy cơ hiếm muộn trở nên nghiêm trọng hơn, đôi khi từ không vô sinh trở thành vô sinh.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất chị em nên có thai một cách tự nhiên, không phải cứ lấy chồng là ngay lập tức phải có bầu. Nếu lấy nhau hơn một năm dù không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có thai thì cả hai vợ chồng nên đi khám. Với những chị em xây dựng gia đình muộn thì có thể đi khám sớm hơn (khoảng 6 tháng sau khi lấy chồng). Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc kích trứng, đặc biệt là thuốc tiêm.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam