Tiếp cận thuốc ARV điều trị bệnh AIDS: Vẫn còn thấp với nhu cầu thực tế

Theo một nghiên cứu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tại các tỉnh, thành phố cho thấy khả năng tiếp cận dịch vụ ARV (thuốc kháng virus HIV) cho bệnh nhân AIDS ngày một tăng nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Đối tượng nghiên cứu tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Sơn La, An Giang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đà Nẵng và Thái Nguyên là lãnh đạo doanh nghiệp phân phối thuốc ARV, lãnh đạo mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS, cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS, người nhiễm HIV/AIDS.

Nhân lực còn thiếu và yếu

Tại thời điểm nghiên cứu (tháng 6/2008-1/2009), mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV đã được thiết lập ở cả ba tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và ngày càng được mở rộng. 100% các tỉnh, thành phố đều có cơ sở điều trị ARV. Ở tuyến huyện, độ bao phủ của các cơ sở điều trị ARV đạt 16% nhưng phân bố không đồng đều giữa các địa phương. Trong các tỉnh nghiên cứu có 3 tỉnh Đồng Nai, Đà Nẵng, Lâm Đồng chưa có cơ sở điều trị tuyến huyện.      

Cũng theo điều tra này, điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ theo danh mục quy định, nhất là ở tuyến huyện. Bên cạnh đó, nhân lực tham gia cung cấp dịch vụ điều trị ARV còn thiếu về số lượng, yếu về kiến thức, kỹ năng điều trị ARV. Bình quân mỗi cơ sở điều trị có 6 cán bộ y tế trong đó 73% là kiêm nhiệm, 50% số cán bộ là cán bộ y tế trực tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân chưa được tập huấn về quy trình điều trị ARV. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự lúng túng trong việc triển khai điều trị ARV, hạn chế chất lượng dịch vụ.

Điều tra cũng cho thấy, trên cả nước số bệnh nhân được điều trị chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu trong thực tế. Trong đó, khoảng 98% bệnh nhân sử dụng phác đồ bậc 1 và 2% sử dụng phác đồ bậc 2. Khoảng cách giữa nhu cầu điều trị và số lượng bệnh nhân sử dụng dịch vụ đang là rất lớn. Không những thế, tỷ lệ bao phủ của ARV tại các tỉnh hiện đang rất khác nhau, giao động từ 2,7% như Sơn La đến 76% như ở Khánh Hòa.   Theo dự báo của 30 cơ sở điều trị ARV, các bước trong quy trình điều trị đã được thực hiện với tỷ lệ tương đối cao song còn thiếu đồng đều. Tỷ lệ bệnh nhân được tư vấn trước điều trị đạt 100%, trong khi tư vấn trong quá trình điều trị còn khoảng 90%. Tỷ lệ tuân thủ điều trị của bệnh nhân đạt 89%, tỷ lệ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nhưng chưa được điều trị là 5,8%.

Các cán bộ điều tra nghiên cứu này cho biết, yếu tố gây cản trở đối với khả năng tiếp cận điều trị thuốc ARV là sự bất cập về mô hình tổ chức của mạng lưới các cơ sở điều trị ARV, nhân lực thiếu về số lượng, hạn chế trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất còn thiếu, bất cập trong cung ứng thuốc... Ngoài ra, bệnh nhân còn giữ tâm trạng mặc cảm, sợ bị lộ danh tính, hạn chế trong hiểu biết về sử dụng ARV.

Vũng Tàu: Đưa ARV vào trong Trung tâm 05  

Cục Phòng, chống HIV/AIDS khuyến nghị giải pháp tăng cường tiếp cận điều trị ARV:

Cần tăng cường, củng cố và kiện toàn khả năng cung cấp dịch vụ của mạng lưới các cơ sở điều trị ARV trong cả nước. Ban hành các chính sách về an sinh xã hội nhằm trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống.

Chú trọng phát huy vai trò của người nhiễm HIV/AIDS cùng gia đình và nhóm bạn đồng đẳng trong vận động người nhiễm HIV tự tin, tự giác, tự công bố tình trạng bệnh tật cũng như trong quản lý, theo dõi và chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân sử dụng ARV.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về sự cần thiết, tác dụng và quy trình điều trị ARV cả trong các cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng.

Phát huy vai trò của chính quyền các cấp và ngành y tế trong điều phối sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế cho hoạt động điều trị ARV.

Anh Vũ Đức, sống tại phường 6, TP Vũng Tàu vào Trung tâm 05 (thuộc Trung tâm Giáo dục - Lao động và dạy nghề Bà Rịa- Vũng Tàu) một năm nay. Đức nghiện ma túy, xét nghiệm nhiễm HIV và được điều trị ARV 4 tháng. Theo Đức, khi phát hiện nhiễm HIV, cơ thể bị lở loét, chỉ còn 48kg. Sau khi được điều trị ARV mọi bệnh nhiễm trùng cơ hội mất hẳn, sức khỏe phục hồi nhanh chóng. Đức là 1 trong số 200 học viên của Trung tâm được điều trị ARV.   Theo ông Phạm Hoàng Ngọc, Phó Trưởng phòng Y tế của trung tâm, cuối năm 2008 thuốc ARV đã được đưa vào chương trình điều trị. Các học viên qua thăm khám sàng lọc sẽ được điều trị đúng phác đồ của ARV. Hàng ngày, học viên sẽ được uống thuốc lúc 7h sáng và đến 9h tối lại được phát thuốc tại phòng.

Chị Đỗ Thị Hồng Diễm, nữ hộ sinh của Trung tâm cho biết, mỗi học viên đều có một hộp để thuốc riêng có ghi tên, chia ra từng loại thuốc cho mỗi ngày. Các học viên uống thuốc ARV đều có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. "Các học viên giờ thích uống thuốc vì bản thân họ thấy uống thuốc khỏe ra, cơ thể không bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công như  trước đây", chị Diễm cho biết.

Theo ông Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hai năm qua, công tác điều trị ARV tại Trung tâm 05 rất hiệu quả. Có tới 80% số học viên duy trì điều trị ARV. Cũng theo ông Kha, sau khi áp dụng điều trị ARV, tỷ lệ tử vong vì AIDS giảm đi rõ rệt. Có năm toàn tỉnh có hơn 200 ca tử vong vì AIDS nhưng sau khi duy trì điều trị ARV từ năm 2009 đến tháng 9/2010 chỉ có 59 ca tử vong vì AIDS.

Trong năm 2010, với sự cố vấn hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực điều trị thuốc ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng ước tính các nhu cầu ngân sách dành cho thuốc ARV. Theo dự tính, giai đoạn 2011-2015 với bốn phương án cung ứng thuốc ARV khác nhau sẽ tốn khoảng từ 49-102 triệu USD.   Theo tính toán của Cục Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn này sẽ thiếu hụt ngân sách khoảng từ 5-21 triệu USD. Cục cũng đề nghị cần xem xét các giải pháp nhằm chủ động nguồn cung ứng thuốc ARV đáp ứng nhu cầu ngân sách. Tiếp tục chủ động các nguồn kinh phí hỗ trợ để mua thuốc ARV từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đưa việc thanh toán ARV vào BHYT; xã hội hóa (bệnh nhân tự chi trả tiền thuốc); tăng cường sản xuất ARV trong nước tăng khả năng tiếp cận ARV giá rẻ.

Cả nước có 7 cơ sở được cấp số đăng ký sản xuất thuốc ARV trong đó có 3 cơ sở đã tiến hành sản xuất. Nguồn cung cấp thuốc ARV hiện nay chủ yếu dựa vào các dự án viện trợ quốc tế bao gồm ba chương trình dự án lớn: Chương trình PEPFER, Dự án Quỹ Toàn cầu và Chương trình Clinton. Kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ cung cấp đủ khoảng 10% số bệnh nhân AIDS hiện đang được điều trị trong cả nước.

Hiện tại, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang đảm nhận vai trò điều phối cung ứng thuốc điều trị ARV thuộc tất cả các nguồn này trên phạm vi cả nước đối với các tỉnh. Việc tiếp nhận, bảo quản phân phối thuốc ARV từ các dự án viện trợ quốc tế và mua từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện bởi Công ty Dược phẩm Trung ương 1.

Đến nay cả nước đã có 228.680 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện, trong đó có 48.368 người đã tử vong và 180.312 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống.   Đáng chú ý, năm 2010 có 43 tỉnh, thành phố tiến hành chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch; 60 tỉnh, thành phố triển khai phân phát bao cao su miễn phí. Thống kê của các địa phương cho thấy, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện hằng năm, số ca chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS hằng năm liên tục tăng từ đầu vụ dịch đến tận năm 2007.   Nhưng trong 2-3 năm trở lại đây, số ca nhiễm mới, số ca bệnh AIDS mới và số tử vong đều giảm. Thống kê tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hiện nay là 0,28%. Như vậy có thể nói rằng, chúng ta đã kiềm chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV dưới 0,3% dân số như mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010.   Tuy nhiên, dịch HIV vẫn đang chứa đựng các yếu tố phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Nhiễm HIV trong nữ giới đang có xu hướng gia tăng, hiện đã tới xấp xỉ 30%/tổng số (so sánh với những năm đầu, người nhiễm HIV hầu hết là nam giới).   Việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị (bằng thuốc đặc hiệu ARV) cho người nhiễm HIV không ngừng mở rộng. Năm 2003 mới khởi động 2 điểm điều trị, năm 2009 đã mở rộng ra 288 điểm. Chất lượng điều trị không ngừng tăng lên. Tỷ lệ sống sau 12 tháng điều trị đã đạt được 82,5% đối với người lớn và 93% đối với trẻ em.

Vân Khánh