Trung bình mỗi ngày bỏ 50 ca mang thai vì Rubella

Tính trung bình tại BV Phụ sản TƯ, từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày có tới 50 ca phải bỏ thai vì mẹ mắc Rubella ở những tuần sớm.

Có ngày, khoa Sản 1 đã phải tư vấn cho 60 sản phụ mắc rubella về tình trạng thai nhi. Chỉ riêng Trung tâm chẩn đoán trước sinh có tới 80-120 ca mắc Rubella/buổi tới tư vấn. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, năm nay là năm đỉnh cao nhất của dịch Rubella.

Mẹ không biết - con dị tật  

Rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng để phòng bệnh. Người mắc rubella thường mọc ban toàn thân, ít khi sốt cao, sau 5 đến 7 ngày, ban bay đi không để lại vết thâm. Để phòng bệnh, nếu không thật cần thiết không nên đến những nơi có nhiều người. Người có bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và ra nơi công cộng.

TS.BS Trần Danh Cường

TS.BS Trần Danh Cường, Trưởng khoa Sản 1, BV Phụ sản TƯ cho biết: Phần nhiều các bà mẹ có thai nhi chậm phát triển, hay thai chết lưu đều không biết bản thân đã từng mắc rubella trong những tuần đầu mang thai. Những cơn sốt thoáng qua kèm theo phát ban nhẹ dễ bị bỏ qua vì họ đều tưởng sốt dịch thông thường.

Theo TS.BS Danh Cường, chưa năm nào dịch lại nhiều như vậy. Cách đây bốn năm, đỉnh dịch rubella cũng xuất hiện với tần xuất cao và năm nay là chu kỳ trở lại của đỉnh dịch. Điều đáng nói là dịch rubella xuất hiện trên cả nước.

Chị Nguyễn Thị H, 25 tuổi (quê Hưng Yên) nằm ở giường siêu âm, nước mắt ngắn dài vì thai đã chết lưu được 1 tuần nay. Chị H kể: Chị không biết mình mắc rubella lúc nào nhưng đến tuần thứ 10 của thai thì thấy cơ thể có cảm giác nóng, ngoài da có phát ban nhẹ. Còn với chị Phạm Hoài P, 45 tuổi (quê Phú Thọ) cũng bảo: Tôi chẳng để ý mình mắc bệnh lúc nào nhưng cũng nhớ có sốt lúc mang thai khoảng tuần thứ 6. Những trường hợp này, các bác sĩ chỉ định ngậm thuốc để ra thai tự nhiên, tránh can thiệp của phẫu thuật vì phần nhiều họ là những phụ nữ trẻ, mới lập gia đình và lần đầu tiên có thai.

Dưới 18 tuần mắc rubella khuyến cáo bỏ thai   TS.BS Danh Cường cho biết, những sản phụ đã mắc rubella dưới 18 tuần phần lớn được khuyến cáo phải bỏ thai. Còn sản phụ thai trên 18 tuần mong muốn giữ thai sẽ phải tiếp tục thăm khám, siêu âm định kỳ để phát hiện thêm dị tật thai nhi. Phía BV Phụ sản TƯ cũng đang tiến hành nghiên cứu khoa học về dị tật thai nhi của các trường hợp thai trên 18 tuần giữ lại sau khi mắc rubella.  

TS.BS Trần Danh Cường siêu âm cho bệnh nhân thai đã chết lưu vì Rubella. Ảnh: V.K

 

Hiện rubella chưa có thuốcđiều trị đặc hiệu nên khi mắc bệnh, người bệnh cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để tăng năng lượng, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên tránh gió, tránh nhiễm lạnh, giữ gìn vệ sinh để tránh bội nhiễm, điều trị triệu chứng bằng bổ sung vitamin, bù điện giải. Rubella lây truyền qua đường hô hấp nên cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nếu tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

Nhưng cũng theo TS.BS Danh Cường, dị tật thai nhi do virus rubella gây ra khó phát hiện khi siêu âm. Tất cả chỉ dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ khai thác trên tiền sử bệnh nhân và điều quan trọng nhất là mắc vào giai đoạn nào của chu kỳ thai. TS.BS Danh Cường cho biết thêm, virus rubella độc lực rất cao trên thai nhi và gây tổn thương nặng.   Virus này gây tổn thương ở mắt đứa bé như: Nhãn cầu nhỏ (bệnh glocom), viêm giác mạc (gây mù), đục thủy tinh thể bẩm sinh. Ngoài ra, virus này còn tấn công vào tim làm dị dạng tim (như thông liên thất, thông động mạch, hẹp van tim) và tấn công thần kinh ốc tai, làm giảm chức năng nghe (nếu bị một bên) hay điếc vĩnh viễn (nếu cả hai tai). Và tỉ lệ lây truyền của virus này quá cao, trên 90% lây từ mẹ sang con và một nửa số này nếu giữ thai thì đứa bé sẽ bị  rubella bẩm sinh.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Nếu phụ nữ mắc rubella trong 3 tháng đầu mang thai thì tỷ lệ ảnh hưởng đến thai nhi khoảng 60%. Rubella gây cho thai nhi những dị tật như: Dị dạng tim bẩm sinh, tổn thương não của thai nhi, thai chết lưu, đứa trẻ khi sinh ra bị chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, hở hàm ếch, thiếu chân tay... Với những phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, các bác sĩ khuyến cáo nên bỏ thai để tránh những dị tật cho thai nhi khi sinh ra.

TS.BS Cấp cho biết thêm, khi mắc rubella, bệnh nhân thường sốt phát ban, triệu chứng toàn thân tương tự như mắc sởi nhưng khác ở hai điểm căn bản là không xuất hiện viêm nong, nốt ban mọc không tuần tự. Phụ nữ mang thai mắc rubella cũng rất dễ truyền bệnh lại cho con qua đường nhau thai. Để phòng tránh, phụ nữ nên chủ động đi tiêm vaccine phòng rubella trước khi mang thai, tốt nhất là tiêm trước khi mang thai từ 3-4 tháng, nếu đã mang thai thì không tiêm phòng.

Quảng Hà

Hội thảo khoa học “ Giải pháp hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”

Chiều ngày 11/12/2024, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phối hợp cùng Công ty Docquity tổ chức Hội thảo khoa học chuyên sâu với chủ đề “Giải pháp hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.