Bệnh viện Phụ - Sản Trung ương (trước đây là Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh) đã cử cán bộ tham gia vào các hoạt động Phòng, chống HIV/AIDS ngay từ những ngày đầu chương trình mới triển khai tại Việt Nam (đầu những năm 90 của thế kỷ 20).
Từ khi cơ quan thường trực phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế còn đặt tại Ban AIDS - Vụ Y tế Dự phòng theo Quyết định số 605/QĐ-BYT ngày 03/05/1995, các cán bộ của bệnh viện Phụ Sản Trung ương (BVPSTW) đã liên tục và đều đặn tham gia các hoạt động Phòng chống HIV/AIDS với vai trò là cán bộ của Tiểu ban Sản khoa.
Sau khi Cục Phòng, chống HIV/AIDS được thành lập tách ra từ Cục Y tế Dự phòng và Phòng, chống HIV/AIDS, cùng với các Tiểu ban chuyên môn khác, Tiểu ban Phòng lây truyền mẹ con (PLTMC) được thành lập lại theo Quyết định số 4233/QĐ-BYT ngày 09/4/2005 và hoạt động với 2 cán bộ tham gia và chính thức có quyết định của Bộ Y tế là:
· PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BVPSTW, Trưởng Tiểu ban
· TS. Đỗ Quan Hà, Thư ký Tiểu ban
(Ngoài ra, Thư ký Tiểu ban đồng thời được giao trách nhiệm tham gia Ban điều hành Dự án Phòng, chống HIV/AIDS khu vực phía Bắc).
Cũng như các Tiểu ban chuyên môn khác thuộc Ban điều hành TW Dự án phòng, chống HIV/AIDS, cả Trưởng Tiểu ban và Thư ký Tiểu ban PLTMC đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do nhu cầu công tác thực tế, do tình hình dịch HIV/AIDS diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời để đảm bảo đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao, đặc biệt là công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tại các địa phương, Bệnh viện đã liên tục bồi dưỡng và phân công cán bộ bổ sung để tham gia chương trình này. Hiện nay, Bệnh viện đã bổ sung thêm 06 cán bộ tham gia các hoạt động của Tiểu ban PLTMC theo chế độ kiêm nhiệm, trong đó 5 người có trình độ đại học trở lên (đều là Bác sĩ, hoặc Thạc sĩ/ Bác sĩ chuyên khoa cấp 1-2) với hoạt động được lồng ghép chung vào các hoạt động khác của bệnh viện, cùng với các phòng, lĩnh vực khác như Nghiên cứu Khoa học, Chỉ đạo tuyến, Tài chính Kế toán ... cũng như các khoa lâm sàng liên quan như Khoa Khám bệnh, Sản nhiễm trùng, Huyết học ...
Do Tiểu ban PLTMC không phải là đơn vị độc lập nên các hoạt động của Tiểu ban chủ yếu được bố trí sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực của Phòng Nghiên cứu Khoa học của bệnh viện Phụ Sản Trung ương, sử dụng chung phòng ốc và các trang thiết bị văn phòng chủ yếu do BVPSTW cung cấp và hỗ trợ. Cũng nhờ có những sự hỗ trợ mạnh mẽ của Ban lãnh đạo bệnh viện, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tiểu ban PLTMC đã hoàn thành xuất sắc các chức năng nhiệm vụ được giao.
Những chức năng, nhiệm vụ được giao (hoặc đảm nhận) của Tiểu ban PLTMC bao gồm công tác tham mưu, tư vấn cho Ban điều hành Trung ương Dự án Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế trong lĩnh vực Sản khoa/ Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quản lý và chỉ đạo kỹ thuật, ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực này. Ngoài ra, Tiểu ban còn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong cả nước về chuyên môn kỹ thuật trong PLTMC.
Mối quan hệ mật thiết, sự liên hệ chặt chẽ và thường xuyên giữa Ban điều hành TW Dự án Phòng chống AIDS Quốc gia (Cơ quan thường trực là Ban AIDS, hiện nay là Cục Phòng chống HIV/AIDS) với các Tiểu ban chuyên môn là một thuận lợi lớn cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia chương trình PLTMC của Tiểu ban là những cán bộ nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác là một yếu tố vô cùng quan trọng để Tiểu ban PLTMC hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao.
Kể từ khi tham gia chương trình Phòng chống HIV/AIDS đến nay, Tiểu ban đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tham mưu tốt cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động do Ban/Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức. Tiểu ban thường xuyên phối hợp với các Phòng của Cục cũng như với các Tiểu ban chuyên môn khác trong tất cả các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực PLTMC như kiểm tra, giám sát, theo dõi, đồng thời tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật. Một số hoạt động cụ thể phối hợp với Cục PC AIDS và Ban điều hành Khu vực phía Bắc bao gồm:
· Tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến, tham mưu cho Ban điều hành Trung ương Dự án Phòng chống HIV/AIDS trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn, xây dựng kế hoạch triển khai công tác PC HIV/AIDS, đặc biệt là trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực PLTMC.
· Định kỳ hàng năm tham gia tư vấn và xây dựng kế hoạch giám sát với Cục PC AIDS và Ban điều hành Khu vực Phía Bắc; cũng như trực tiếp tham gia các đoàn giám sát tại rất nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước cùng với các cán bộ của các cơ quan liên quan đã nêu trên.
· Ngay từ năm 2002, khi chương trình còn có ít nguồn cung cấp, thuốc kháng HIV còn chưa đủ phân phối trong cả nước, Tiểu ban đã tích cực phối hợp với Ban PC AIDS đề nghị và thành công trong việc tiếp nhận chương trình viện trợ thuốc Viramune (NVP: Niverapine) do Hãng Boehringer Ingelheim tài trợ thông qua Axios (chương trình chính thức kéo dài 5 năm: từ 2002 đến 2007).
· Trong những năm tiếp sau đó, mặc dù việc báo cáo tình hình sử dụng thuốc của các tỉnh còn nhiều hạn chế và không đều đặn, Tiểu ban PLTMC đã liên tục thu thập đầy đủ số liệu sử dụng thuốc tại các tỉnh thành trong cả nước, tổng hợp tiếp tục đề nghị cấp thuốc miễn phí và phân phối cho các tỉnh. Do đó, đã đảm bảo về cơ bản nhu cầu NVP phục vụ điều trị PLTMC miễn phí cho PNMT được phát hiện nhiễm HIV cho tất cả các tỉnh có nhu cầu.
· Sau năm 2007, khi chương trình viện trợ này đã kết thúc, nhưng nhiều tỉnh còn chưa có dự án hỗ trợ và vẫn tiếp tục đề nghị cung cấp, Bệnh viện cũng đã thành công trong việc tiếp tục đề nghị tài trợ thuốc NVP để tiếp tục cấp miễn phí, góp phần nâng cao tỷ lệ PNMT được điều trị PLTMC.
· Tiểu ban PLTMC thường xuyên có nhiều báo cáo cập nhật về tình hình, thực trạng PLTMC ở Việt Nam để đề xuất giải pháp thích hợp, góp phần nâng cao hoạt động của chương trình này.
· Các cán bộ của Tiểu ban, với trách nhiệm tư vấn về chuyên môn kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, đã liên tục tham gia cùng với Cục PC AIDS, Cục Quản lý KCB và BĐH phía Bắc trong các hoạt động chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn dưới nhiều hình thức, từ đóng góp ý kiến cho đến soạn thảo các văn bản, tài liệu hướng dẫn, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trong PLTMC, chỉ số theo dõi và đánh giá chương trình, tham gia góp ý và tư vấn trong quá trình xây dựng rất nhiều văn bản pháp quy do các cơ quan thuộc Bộ Y tế chủ trì xây dựng.
· Tiểu ban đã liên tục tham gia xây dựng nhiều tài liệu tập huấn cũng như giảng dạy trong các khoá đào tạo, tập huấn do Cục PC HIV/AIDS tổ chức về các nội dung liên quan đến PLTMC như: biên soạn Tài liệu tập huấn PLTMC, tham gia các khoá tập huấn về giám sát chương trình, về Quy trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Quy trình chăm sóc và điều trị PLTMC...
· Liên tục tham gia các hoạt động tuyên truyền cùng với các cơ quan khác của Bộ Y tế như các Hội nghị hàng năm, mít tinh nhân ngày Thế giới PC HIV/AIDS, tham gia cùng tổ chức các hoạt động nhân phát động tháng hành động PLTMC...
· Thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Sản Phụ khoa trong toàn quốc triển khai công tác tuyên truyền phòng chống AIDS, đẩy mạnh công tác Quản lý, Chăm sóc và Tư vấn cho các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ mang thai (PNMT).
· Chủ động trong công tác lập kế hoạch, đề xuất chương trình đảm bảo sự chỉ đạo thường xuyên của Tiểu ban đối với các địa phương, lồng ghép hoạt động này với các chương trình khác như trong chỉ đạo chuyên khoa để đẩy mạnh công tác tư vấn và xét nghiệm cho PNMT, nâng cao số lượng phụ nữ khám thai được tư vấn xét nghiệm HIV một cách đáng kể (đạt gần 100% tại các BV Phụ Sản lớn và BV Đa khoa của nhiều tỉnh).
· Ngoài ra, Tiểu ban cũng đã thường xuyên và đều đặn tổ chức các khoá tập huấn (trung bình 3-5 khoá tập huấn mỗi năm) cho cán bộ y tế tuyến tỉnh ở các tỉnh thuộc các miền khác nhau (phối hợp với 4 Ban điều hành Khu vực, với khoảng gần 1.000 cán bộ tuyến tỉnh đã được tập huấn trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây). Công tác tập huấn thường xuyên này đã tạo điều kiện tốt, cung cấp và cập nhật đầy đủ kiến thức về PLTMC cho học viên, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác PLTMC tại các tỉnh cả về số lượng và chất lượng dịch vụ.
· Ngoài ra, hàng năm, dựa trên cơ sở kết quả giám sát của Tiểu ban trong công tác PLTMC, đối với một số tỉnh có nhu cầu đặc biệt, Tiểu ban cũng tổ chức những khoá tập huấn riêng cho tới tuyến huyện. Một số ví dụ các tỉnh được tập huấn trong thời gian gần đây bao gồm: An Giang, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Quảng Ninh, Huế...
· Phối hợp với các Dự án khác như Dự án LIFE-GAP, Dự án Quỹ toàn cầu và Quỹ Clinton/Cục PC AIDS, Tiểu ban cũng thường xuyên tham gia tổ chức, lập kế hoạch, cũng như trực tiếp giảng dạy gần 30 khoá tập huấn khác cho các tỉnh ngay từ những năm đầu để triển khai các Dự án nêu trên. Đồng thời cử cán bộ phối hợp với các Dự án đã nêu trong công tác đào tạo bổ sung cũng như giám sát và theo dõi để duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc và điều trị PLTMC.
· Qua các năm, Tiểu ban đã thường xuyên tổ chức, cũng như cử cán bộ trực tiếp đi giám sát hoạt động PLTMC tại các tỉnh, có ý kiến chỉ đạo kịp thời cho các tỉnh để triển khai và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này tại hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc; đồng thởi có báo cáo kịp thời cho Ban điều hành TW Dự án PC HIV/AIDS.
· Tiểu ban đã soạn thảo được rất nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn được phân công phụ trách như: xây dựng Tài liệu tập huấn về PLTMC, đều đặn cập nhật Tài liệu tập huấn hàng năm, soạn thảo Sổ tay Tư vấn HIV/AIDS và Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con dành cho cán bộ y tế cơ sở, tài liệu Hướng dẫn Tư vấn PLTMC cho các cán bộ sản khoa, soạn thảo các Poster và tờ rơi để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, Sách lật Hướng dẫn Quy trình Chăm sóc và Điều trị PLTMC cũng như cập nhật các phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành cho các cơ sở sản khoa có hoạt động PLTMC. Các tài liệu này đều được thường xuyên cập nhật và cung cấp cho tất cả các tỉnh trong cả nước để phục vụ công tác chuyên môn và được các cơ sở y tế tuyến dưới đánh giá cao, liên tục đề nghị cung cấp tiếp tục để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động của chương trình PLTMC tại địa phương.
· Mặc dù nghiên cứu về hiệu quả điều trị PLTMC là một nghiên cứu khó thực hiện, Tiểu ban đã xây dựng và đề xuất thành công một đề tài NCKH cấp Bộ về lĩnh vực này. Hiện nay, đề cương đề tài đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế thông qua và đề tài đang được triển khai tại các địa phương tham gia nghiên cứu. Dự kiến đến hết năm 2011 có thể hoàn thành và công bố kết quả. Khi đó, các kết quả của đề tài này sẽ có thế góp phần tích cực hơn nữa vào việc nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị PLTMC cũng như cải thiện từng hoạt động cụ thể của chương trình.
· Riêng BVPSTW đã và đang trợ giá một phần lệ phí xét nghiệm HIV cho riêng nhóm PNMT và hỗ trợ nhiều xét nghiệm liên quan cho những PNMT nhiễm HIV; đồng thời tổ chức nhóm cán bộ tư vấn và tham gia quản lý phòng tư vấn xét nghiệm tại Bệnh viện. Thông qua đó, trong nhiều năm liên tục, tại BVPSTW đã đảm bảo tiến hành tư vấn và xét nghiệm cho gần 100% PNMT. Từ năm 2000 cho đến nay, trung bình hàng năm có khoảng 100 PNMT nhiễm HIV được phát hiện (con số này đã tăng lên từ khoảng 50-70 trong những năm đầu; và hiện nay liên tục ở mức trên 100 trong những năm gần đây).
· Tiểu ban đã định kỳ tổ chức các buổi tập huấn cập nhật cho cán bộ của BVPSTW về tư vấn xét nghiệm, các phác đồ mới trong PLTMC... Do đó, qua nhiều năm liên tục, tỷ lệ PNMT được điều trị PLTMC trong số HIV(+) theo đúng phác đồ tại BVPSTW luôn đạt gần 100%; toàn bộ trẻ sinh ra từ PNMT nhiễm HIV tại BVPSTW được cấp sữa thay thế sữa mẹ và được điều trị PLTMC thích hợp.
Nhân ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS và kỷ niệm 20 năm Việt Nam đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, Tiểu ban PLTMC – Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Bằng khen cho những kết quả, thành tích hoạt động và đóng góp tích cực cho Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Quốc gia (Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ). |
Phương hướng PC HIV/AIDS của Tiểu ban trong thời gian tới:
· Liên tục, thường xuyên tham mưu tốt cho Ban điều hành Trung ương Dự án Phòng, chống HIV/AIDS cũng như phối hợp với các Ban điều hành khu vực và các Tiểu ban khác trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn các địa phương để đẩy mạnh hơn nữa công tác Phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước.
· Tổ chức định kỳ giám sát kỹ thuật cho các địa phương, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đảm bảo tăng cường về số lượng các địa phương, số lượng PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV, được điều trị PLTMC và theo dõi chăm sóc tiếp tục nếu phát hiện nhiễm… và thông qua đó nâng cao chất lượng của các hoạt động này. Tiến tới có thể triển khai chương trình PLTMC trên toàn quốc.
· Tiếp tục tăng cường các lớp tập huấn về hướng dẫn chăm sóc và điều trị PLTMC, nâng cao khả năng tư vấn HIV/AIDS và PLTMC cho các cán bộ tuyến tỉnh, đồng thời cung cấp kiến thức cho cán bộ các tỉnh để có thể tập huấn tiếp cho các tuyến dưới
· Thường xuyên, định kỳ hàng năm tổ chức các khóa tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ tại Bệnh viện PVTW về Quy trình và Phác đồ PLTMC cho bác sĩ điều trị; Tư vấn XN HIV cho tư vấn viên của BV; Dự phòng phổ cập cho nữ hộ sinh và điều dưỡng viên…. Đảm bảo mọi PNMT phát hiện HIV đều được chăm sóc và điều trị thích hợp và có chất lượng.
· Xây dựng các tài liệu chuyên môn kỹ thuật để hướng dẫn thông tin, tư vấn cho PNMT để nâng cao tỷ lệ PNMT được xét nghiệm và điều trị, đặc biệt là phát hiện sớm trong thời gian mang thai, theo dõi và chuyển tiếp sau sinh...; Thiết kế, xây dựng Quy trình chuyển tuyến thích hợp cho phụ nữ nhiễm HIV trong khi mang thai và sau sinh cũng như cung cấp thông tin về các dịch vụ PLTMC; Không ngừng cập nhật và phát triển các tài liệu chuyên môn về Tư vấn HIV/AIDS cho PNMT và chăm sóc điều trị PLTMC và tiến hành phân phối cho các cơ sở SPK tại các tỉnh thành trong cả nước.
· Tiếp tục bổ sung cán bộ để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Tiểu ban PLTMC (kết hợp với sự hỗ trợ của các Dự án Hợp tác quốc tế khác)
· Tiếp tục tìm nguồn tài trợ, tăng cường hợp tác quốc tế để tăng cường hỗ trợ cho Chương trình Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS trong lĩnh vực PLTMC, chú trọng công tác tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn…
Xây dựng và tiếp tục triển khai các nghiên cứu chuyên sâu về hiệu quả của từng công tác trong lĩnh vực được phân công như TV XN HIV cho PNMT cũng như điều trị PLTMC và theo dõi tiếp tục.
Xét nghiệm AMH (Anti-Mullerian Hormone)được xem là một trong những xét nghiệm đặc biệt,đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn,
Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bộ môn Phụ sản Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày 11/12/2024, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF" sử dụng phương pháp thực hành mô phỏng thực tế ảo hiện đại nhất trên thế giới.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên tại miền Bắc triển khai thực hiện xét nghiệm HPV Genotype PCR hệ thống tự động (HPV – mRNA).