Những lương y như từ mẫu

Thời gian qua, nhiều cán bộ được cử tham gia Đề án 1816 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được sự tin yêu, quý mến của nhân dân các địa phương.

Họ được coi như những vị "cứu tinh" của người dân khi thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc.

Hiến máu cho bệnh nhân

Thời gian vừa qua, Ths.BS Nguyễn Thanh Hồi, Khoa Hô hấp, BV Bạch Mai, được cử đi luân phiên theo Đề án 1816, về BVĐK Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.  

Hướng dẫn phương pháp lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: PV

  Bên cạnh công tác đào tạo cùng với các bác sĩ 1816 của Bệnh viện Bạch Mai, anh còn trực tiếp cùng các đồng nghiệp của BVĐK KV Nghĩa Lộ khám cho 40 lượt bệnh nhân, điều trị cho 120 lượt bệnh nhân. Trong số đó, phải kể đến bệnh nhân Hoàng Văn Hường, 13 tuổi, dân tộc Thái, ở tại bản Có, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ngày 10/3/2009, trên đường đi học, em Hường đã bị một tai nạn nghiêm trọng. Hường được đưa vào BVĐK KV Nghĩa Lộ cấp cứu.   Qua thăm khám ban đầu, Hường được chẩn đoán là shock chấn thương nghi do giập gan. Ca mổ do bác sĩ Việt Hà (cán bộ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai) trực tiếp phẫu thuật lập tức được tiến hành. Tổn thương do chấn thương khá phức tạp nhưng do điều kiện không cho phép, lại trong tình trạng cấp cứu nên bác sĩ Hà đã quyết định xử trí phẫu thuật tối thiểu và chèn gạc để cầm máu. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (nơi bác sỹ Hồi về luân phiên).   Mặc dù đã được điều trị rất tích cực nhưng tình trạng của Hường ngày một nặng hơn. Kết quả hội chẩn đã xác định bệnh nhân Hường còn bị chảy máu đường mật do chấn thương, có chỉ định chuyển tuyến trên để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân được khẩn trương chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Sau một thời gian điều trị, tình trạng của Hường đã có những tiến triển tốt, sức khỏe tạm ổn định và được cho về tuyến dưới điều trị tiếp. Trở về nhà được 4 ngày, bệnh nhân lại xuất huyết tiêu hóa.   Trong quá trình điều trị, từ ngày 08/4/2009 đến ngày 16/4/2009, bệnh của Hường ngày càng có chiều hướng xấu đi và có những dấu hiệu đe dọa đến tính mạng. Tình trạng của bệnh nhân đã vượt quá khả năng điều trị của y tế tuyến cơ sở và cần phải chuyển lên tuyến trên.   Sau ba lần đưa con nhập viện, hoàn cảnh kinh tế gia đình lại khó khăn, không còn tiền để điều trị tiếp nên bố đẻ của Hường là Hoàng Văn Yên đã xin cho con về nhà chờ chết. Với tâm huyết của một người thầy thuốc, cảm thương cho số phận của bệnh nhân, bên cạnh việc liên hệ với các đồng nghiệp tại Khoa Ngoại và Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hồi quyết định dùng số tiền Quỹ nhân đạo của Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai trợ giúp cho bệnh nhân thuê xe về Hà Nội (1,2 triệu đồng).   Cùng với nghĩa cử cao đẹp đó, BVĐK KV Nghĩa Lộ và tập thể thầy cô giáo, học sinh trường THCS Thanh Lương cũng đã quyên góp tiền để Hường lên đường chữa bệnh. Nhưng do mất máu nặng, kéo dài, tình trạng của Hường rất yếu, không còn đủ sức để chuyển về Hà Nội. Bệnh nhân có chỉ định truyền máu, nhưng dự trữ máu trong bệnh viện lại không còn; Những người thân trong gia đình không cho máu vì sợ ... nhỡ Hường chết đi "con ma" sẽ về bắt luôn người cho máu!

Không cầm lòng nhìn người bệnh ra đi một cách đáng tiếc, với mong ước để gạt đi những quan niệm hủ tục của người dân, bác sĩ Hồi đã tình nguyện hiến cho Hường 01 đơn vị máu (01 đơn vị bằng 250 ml) của chính mình. Dòng máu của bác sĩ Hồi đã tiếp sức cho Hường có thể chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi được điều trị nút mạch bằng X.Quang can thiệp, Hường đã hoàn toàn bình phục, khỏe mạnh và trở về với gia đình trong niềm hân hoan, sung sướng và biết ơn của gia đình và bè bạn, thầy cô.

Không chỉ mình Hường may mắn thoát chết nhờ được trợ giúp mà nhiều  bệnh nhân nghèo khác trên địa bàn huyện cũng đã được nhận sự ủng hộ từ tấm lòng nhân ái của cán bộ viên chức Khoa Hô hấp, BV Bạch Mai, thông qua bác sĩ Hồi. Anh còn tặng cho Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Nhi BV Nghĩa Lộ 6 buồng đệm nhi khoa.

Khi trình độ được nâng cao - cứu mạng người kịp thời

BS Đỗ Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, Giám đốc BVĐK tỉnh, vẫn còn xúc động khi kể về trường hợp một sản phụ người dân tộc Dao đã được cứu sống dù bị vỡ ối, sốc nhiễm trùng nặng. Sản phụ này ở một bản cách đường ôtô chạy tới 200km. Khi đến kỳ chuyển dạ, gia đình không đưa sản phụ đến trạm xá mà nhờ mụ vườn đỡ đẻ.  

Đề án 1816 đã giúp các bác sĩ tuyến cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Dương Ngọc

  Nhưng do thai ngôi ngược nên sản phụ không thể sinh trong khi cơn đau đẻ vẫn cứ dồn dập, khiến sản phụ bị vỡ tử cung, chảy rất nhiều máu. Khi được đưa tới viện, đúng dịp một đoàn gồm nhiều bác sĩ chuyên ngành sản của bệnh viện tuyến TƯ về chi viện, đã kịp thời cấp cứu, lấy thai chết lưu, cắt tử cung cho sản phụ và sản phụ đã qua cơn nguy kịch.

Tại BVĐK tỉnh Lai Châu, trước kia, để mổ sỏi túi mật, các bác sĩ đều thực hiện mổ mở, với đường rạch bụng lên tới 20-30cm, nhưng nay, các bác sĩ đã thực hiện thành thục việc phẫu thuật nội soi túi mật, chỉ với một lỗ nhỏ ở vùng bụng. Khi bác sĩ của viện thực hiện ca phẫu thuật nội soi sỏi túi mật lần đầu tiên, bệnh nhân đi lại, khoẻ mạnh ngay trong ngày đã khiến các bệnh nhân khác vô cùng... kinh ngạc không hiểu sao bác sĩ lại có thể giỏi đến thế?

Tổng kết một năm Đề án 1816, BV Lai Châu đã được chuyển giao 20 kỹ thuật mới và bác sĩ tại viện đã thực hiện thuần thục tới 15 kỹ thuật, gồm những kỹ thuật điều trị các bệnh rất phổ biến như: Phẫu thuật nội soi ruột thừa, túi mật, chẩn đoán nội soi, cắt trĩ bằng phương pháp Longo... Tương tự, tại các bệnh viện khác được chuyển giao, việc triển khai các kỹ thuật mới cũng đang trở thành thường quy, đem lại thuận lợi rất lớn cho người bệnh khi được tiếp cận các kỹ thuật này.

Khó khăn vẫn còn

Hiệu quả mà Đề án 1816 mang lại đã thấy rõ, đó là chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới có chuyển biến rõ rệt. Nhiều bệnh viện đa khoa của các tỉnh, thành đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật do bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến TƯ giảm 30%.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án này cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo báo cáo của hầu hết các bệnh viện tuyến trên cho thấy, hầu như các bệnh viện cả tuyến trên và tuyến dưới đều rất thiếu nguồn nhân lực. Nhiều kỹ thuật được đưa vào danh mục để chuyển giao, nhưng tuyến dưới lại không có đủ người để tiếp cận. Rồi kỹ thuật thì có nhưng máy móc không đồng bộ cũng gây khó khăn cho việc chuyển giao kỹ thuật, giúp bác sĩ tuyến dưới thực hiện thành thạo, nâng cao tay nghề.   Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: "Dù Đề án 1816 đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần rút ngắn khoảng cách về năng lực chuyên môn, khám chữa và điều trị giữa các vùng miền nhưng đó chỉ là giải quyết trước mắt, là biện pháp tình thế, lấy ngắn nuôi dài. Vấn đề cơ bản, lâu dài là phải đào tạo đủ thầy thuốc cho mọi miền đất nước".

Nhưng để thực hiện mục tiêu này còn là chặng đường vô cùng gian nan. Lực lượng bác sĩ có tay nghề cao vẫn chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đang bị thiếu cán bộ y tế nghiêm trọng.

Nói về Đề án 1816, bác sĩ Hoàng Sĩ Hiền, Giám đốc BVĐK Nghĩa Lộ chia sẻ: "Các bác sĩ BV Bạch Mai được tăng cường về Nghĩa Lộ đã cứu sống rất nhiều người bệnh".

BS. CKI Bùi Tiến Thanh - PGĐ BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết: "Đề án 1816 là biện pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất giúp tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn. Thay vì phải mất nhiều thời gian để lên tuyến trên học hỏi, bác sĩ tuyến dưới vẫn làm việc tại chỗ bên cạnh sự dẫn dắt tận tình của tuyến trên. Và bằng chứng là bệnh nhân phải chuyển viện tại BVĐK tỉnh đã giảm từ 15 - 20% so với trước. Do đó, đã tạo được niềm tin với người dân khi đến khám chữa bệnh".

Không chỉ được học hỏi về chuyên môn các y, bác sĩ BVĐK tỉnh còn tiếp thu được tác phong làm việc vì bệnh nhân của bác sĩ tuyến trên, không kể giờ giấc nếu còn bệnh nhân thì vẫn tiếp tục làm việc không để bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu hoặc chuyển viện, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để hướng dẫn tận tình cho nhân viên y tế tuyến dưới. 9 tháng năm 2010, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật các loại cho 1.028 bệnh nhân.   Nếu không có bác sĩ tuyến Trung ương về thì số bệnh nhân này phải chuyển tuyến trên, trong khi bệnh nhân đến viện đa số là người nghèo. Có đề án, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận lợi cho người nhà thay nhau chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị.

          Vân Khánh (tổng hợp)