Bệnh thủy đậu vào mùa cao điểm

Theo các bác sĩ, tháng 3 là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất.

Tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai..., số bệnh nhân mắc thủy đậu có chiều hướng gia tăng.

Người lớn mắc bệnh tăng đột biến

Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa virus - Ký sinh trùng (Bệnh BV Nhiệt đới TƯ) cho biết, bệnh thủy đậu đang vào mùa nên số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5 - 6 ca, có ngày đến vài chục bệnh nhân đến khám. Từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là giai đoạn phát triển thủy đậu, trong đó, cao điểm là tháng 3. Năm nay, nhiều bệnh nhân là người lớn, phụ nữ mang thai cũng mắc thủy đậu.  

Số lượng bệnh nhân thủy đậu vào nhập viện ngày càng tăng (ảnh chụp tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ sáng ngày 8/3). Ảnh: P. Thuận

Theo BS Lâm, người lớn thường vào viện khi bệnh đã nặng, xuất hiện mụn nước dẫn đến tổn thương da. Bởi nhiều người nghĩ thủy đậu chỉ mắc ở trẻ nhỏ, nên khi có những nốt sần đỏ trên người lại nghĩ chỉ bị dị ứng thời tiết hoặc thức ăn.

"Người lớn mắc thủy đậu những năm gần đây ngày càng nhiều, nguyên nhân là chưa được tiêm phòng vaccine hoặc chưa mắc thủy đậu lúc nhỏ. Thậm chí có trường hợp từng mắc thủy đậu vẫn có thể mắc lại vì hệ miễn dịch kém. Đa số bệnh nhân mắc thủy đậu vào viện ở thể nhẹ, không bị biến chứng nặng. Nhưng có nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu vào điều trị muộn bị biến chứng nhiễm trùng để lại sẹo lõm trên da", BS Lâm cho biết.

Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, lượng trẻ đến khám do mắc bệnh thuỷ đậu đang ngày một tăng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời điểm này đang có nhiều dịch bệnh bùng phát, trong đó có thủy đậu. Trung bình mỗi ngày có tới 200 bệnh nhân đến khám, phần lớn là các bệnh do virus.

BS Dũng cũng cho biết, cao điểm mùa dịch thủy đậu tập trung vào khoảng từ tháng 3-6 hàng năm. Đối tượng chủ yếu là trẻ từ 1-5 tuổi. So với thời điểm này năm ngoái, số bệnh nhân mắc thủy đậu vào điều trị ít hơn, nhưng số bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu, mụn nước có mủ lại tăng. Bệnh nhân bị biến chứng của bệnh thủy đậu là do nhầm lẫn với bệnh dị ứng nên tự điều trị hoặc phát hiện ra bệnh muộn.

Chủ quan dễ gây biến chứng  

"Khi mắc thủy đậu, người bệnh cần được cách ly từ 7 - 10 ngày để tránh lây sang người khác. Không được chọc nặn hay gãi làm trầy xước các nốt phỏng nước, dẫn đến nhiễm trùng da. Người bệnh cũng không nên tự ý mua kháng sinh về uống. Bởi thủy đậu là bệnh do virus gây ra.

BS Nguyễn Tiến Lâm, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ

Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên thường phát triển thành dịch. Bệnh thủy đậu năm nay phát triển mạnh là do thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm, virus gây bệnh phát triển mạnh.

Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Khoảng từ 12 - 24 giờ sau, các nốt ban tiến triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8-10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy. Sau một tuần các vảy sẽ bong ra và tự khỏi nếu bệnh nhân không nhiễm trùng da, các vết sẹo sẽ mờ dần rồi tự mất.

 "Tuy nhiên, thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nốt phỏng, nhiễm trùng huyết dẫn đến những tác hại ảnh hưởng đến hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi... nếu chủ quan", BS Lâm khuyến cáo.

Với trẻ mắc bệnh thủy đậu, BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang các trẻ khác. Cho trẻ dùng riêng đồ dùng, nhất là bát, đũa, khăn mặt. Không được tự ý tắm cho trẻ bằng các loại lá để tránh tình trạng bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Để phòng bệnh, cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng, cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.

Theo các bác sỹ, quan niệm sai lầm là nhiều người không tắm khi bị thủy đậu. Nếu không tắm rửa, cơ thể bị bẩn dẫn đến ngứa, rát khiến người bệnh gãi nhiều, rất dễ nhiễm trùng vết mụn phỏng. Bệnh nhân cần được tắm rửa và giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để các nốt phỏng trên da không nhiễm trùng. Tốt nhất là nên tắm bằng nước chè tươi hoặc nước sạch đã đun sôi, khi tắm phải nhẹ tay, tránh để vỡ nốt phỏng rạ.   Phương Thuận

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF"

Ngày 11/12/2024, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF" sử dụng phương pháp thực hành mô phỏng thực tế ảo hiện đại nhất trên thế giới.